(Dân trí) – Đăng tin bán cắt lỗ lần thứ 3 trong 2 tháng, nhưng nhà đầu tư nhà đất không thể thoát hàng, đối mặt với cảnh nợ nần.
Rớt giá trăm triệu đồng trong thời gian ngắn
Góp tiền cùng nhóm bạn đầu tư vào nhà xây sẵn, nhưng do thị trường trầm lắng, anh Nguyễn Văn Yên – một nhà đầu tư bất động sản không chuyên – đang đứng ngồi không yên. Theo anh Yên, khoảng cuối năm 2020, anh và nhóm bạn mua một mảnh đất rộng hơn 120 m2 để phân thành 3 lô, xây nhà để bán. Lúc đó, thị trường sôi động, giá đất mua vào cũng ở mức cao, cộng với chi phí vật liệu xây dựng cao, khiến tổng mức đầu tư vượt dự toán nhiều lần.
“Do không chuyên nghiệp trong xây dựng và cân đối được dòng tiền, số tiền vay mượn ngân hàng cũng lớn hơn 70% giá trị căn nhà hoàn công. Anh em cũng tích cực bán để thu vốn, nhưng không có người mua”, anh Yên nói.
Cũng theo anh Yên, cộng tiền đất và chi phí xây dựng một căn nhà xây sẵn như hiện tại của anh đã tới 3 tỷ đồng. Nhưng, anh đang bán cắt lỗ tới lần thứ 3 trong 2 tháng qua với số tiền lên tới 300 triệu đồng vẫn không thể bán được.
“Thị trường biến động nhanh khiến nhà đầu tư không chuyên như chúng tôi rơi vào thế khó chỉ sau thời gian ngắn. Tôi đang rất kỳ vọng sẽ bán sớm được căn nhà này để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng sớm”, anh Yên chia sẻ và khẳng định giá cắt lỗ đã “ăn” vào tiền vốn của mình.
Thực tế, không chỉ anh Yên, nhiều nhà đầu tư bất động sản thời điểm này cũng đang rơi vào khó khăn khi thị trường chững lại. Đặc biệt, đối với nhiều nhà đầu tư ngắn hạn cũng liên tục phải cắt lỗ để thu hồi vốn, thanh toán các khoản nợ khác và thực hiện kế hoạch đầu tư mới.
Chị Nguyễn Thị Nhàn – một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết, năm 2019 chị mua 2 lô đất trồng cây lâu năm ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Đến cuối năm 2021, thấy thị trường khu vực đó khá sôi động, chị bán một lô đất hơn 500 m2 với giá 1,8 tỷ đồng, cao hơn giá mua vào 400 triệu đồng.
“Tháng 5 vừa qua, tôi cần tiền để đổi nhà mới ngoài Hà Nội, nhưng khi đưa thông tin lô đất còn lại trong Phú Quốc cho môi giới bán thì được báo tin trở lại, giá chỉ còn 1,4 tỷ đồng. Tôi choáng váng và dừng bán để xem xét thị trường, nhưng đến tháng 6 cần tiền quá, tôi muốn bán giá trên vẫn không có người mua”, chị Nhàn chia sẻ.
Tình trạng giảm thanh khoản bây giờ mới bắt đầu
Về thị trường sắp tới, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển dự báo, trong 6 tháng cuối năm, thanh khoản giảm toàn thị trường, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn. Ông Hiển nhấn mạnh, việc giảm thanh khoản đã xuất hiện từ quý I nhưng đến bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Cũng theo vị chuyên gia này, bất động sản tại nhiều khu vực sẽ có khả năng giảm giá. Đó là các khu vực từng sốt đất, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng đến nay việc đầu tư hạ tầng và khai thác kinh doanh không đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, đất nền nhiều khu vực ven TPHCM cũng sẽ giảm giá.
Sang đến năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phục hồi cục bộ, xuất hiện đầu tư lướt sóng ở một số khu vực, các nhà đầu tư trung hạn bắt đầu giải ngân.
Ông Hiển cho rằng, sẽ có nhiều điểm sáng giúp phục hồi thị trường năm 2023. Trong đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển dù kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, tạo động lực một số thị trường bất động sản.
Đầu tư FDI tiếp tục tăng tạo động lực cho bất động sản công nghiệp và khu dân cư. Các chính sách mới ra đời giúp chuẩn hóa và minh bạch thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tiến trình đô thị hóa vẫn phát triển tăng nhu cầu nhà ở đô thị.
Về xu thế đầu tư giai đoạn cuối năm 2022 – 2023, vị chuyên gia cho rằng du lịch có những tín hiệu tích cực nhưng chưa được nhà đầu tư quan tâm mạnh mẽ. Bất động sản phân lô tại các khu vực xa, khu vực nông nghiệp sẽ giảm thanh khoản mạnh và xuất hiện bán cắt lỗ từ 10 – 30%. Phong trào đầu tư farmstay sẽ suy thoái.