Icon Collap

Nhận quả đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp được “bao pháp lý”

Ngày đăng: 22/06/2022 - Tác giả: Phucdienrealty

(Dân trí) – Hàng chục hộ dân mua nhà tại phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lâm vào cảnh trắng tay khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sở hữu căn nhà xây trên đất nông nghiệp được chủ đất “bao pháp lý”.

Ân hận vì mua nhà “bao pháp lý”

Ngày 18/6, UBND phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột) đang phối hợp cùng cơ quan chức năng tiếp tục cưỡng chế 14 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại hẻm 293 Nguyễn Thị Định (buôn Ky, phường Thành Nhất).

Nhận quả đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp được bao pháp lý - 1

Người dân đau xót khi tài sản bị phá bỏ vì nhẹ dạ tin nhà “bao pháp lý” xây trên đất nông nghiệp.

Trước đó, vào đầu tháng 5, 10 căn nhà được xây dựng trái phép tại khu vực này cũng bị cưỡng chế, tháo bỏ hoàn toàn.

Một lãnh đạo phường Thành Nhất cho biết, hầu hết hộ dân đều tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ công tác tháo dỡ, di dời tài sản.

Theo ghi nhận, tại hiện trường, nhiều căn nhà được xây dựng kiên cố, khang trang xen lẫn giữa rẫy điều, cà phê có trị giá 300-600 triệu đồng/căn đang bị tháo dỡ.

Đau xót nhìn tài sản bị phá bỏ, ông Phan Văn Hải (55 tuổi) cho biết gia đình ông tích góp bao năm được vài trăm triệu đồng, khi được giới thiệu mua đất ở hẻm 293 Nguyễn Thị Định, ông đã từng băn khoăn vì những căn nhà này đều được xây sẵn trên đất nông nghiệp.

Nhận quả đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp được bao pháp lý - 2

Cơ quan chức năng phối hợp tháo dỡ hoàn toàn 24 căn nhà trái phép tại phường Thành Nhất.

Tuy nhiên, khi được chủ đất hứa hẹn “bao pháp lý”, ông tin tưởng và bỏ ra 680 triệu đồng để mua nhà ở.

“Giờ đây chúng tôi đều rất hối hận, giá như mình không quá tin tưởng người bán và phía chính quyền ngăn chặn ngay từ đầu thì không bao giờ chúng tôi dám bỏ số tiền lớn để mua nhà như vậy”, ông Hải chia sẻ.

Nhận quả đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp được bao pháp lý - 3

Bà Lê Thị Loan (nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Nhất) từng ký xác nhận hàng loạt nhà ở hợp pháp dù đang xây dựng trên đất nông nghiệp.

Cũng do tin tưởng người bán, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (26 tuổi) gom góp gần 600 triệu đồng mua căn nhà trên diện tích hơn 100 m2 đất nông nghiệp. Lúc mua thì chị được chủ đất hứa hẹn là sẽ được cấp sổ hộ khẩu và có giấy xác nhận đất ở hợp pháp. Sau đó, đúng như lời chủ đất, vợ chồng chị Ngọc có sổ đỏ kèm theo xác nhận của phường khẳng định nhà ở hợp pháp.

“Vợ chồng tôi mới cưới nhau, gom góp mãi mới mua được căn nhà cứ ngỡ được xác nhận nhà hợp pháp là an tâm rồi. Khi nghe tin phải cưỡng chế, chúng tôi rất buồn nhưng không còn có cách nào khác. Giờ đây, tôi phải đi thuê nhà trọ để ở rất khó khăn, vất vả”, chị Ngọc chua xót nói.

Riêng hộ anh Phan Đình Tèo (48 tuổi) phải ở nhờ trong căn chòi ở rẫy cà phê sau khi nhà bị cưỡng chế. Anh Tèo buồn bã cho biết chỉ vì “nhẹ dạ cả tin” anh đã bán căn nhà nhỏ ở phường Tân Tiến để đến phường Thành Nhất mua nhà với giá trên 500 triệu đồng trên đất nông nghiệp.

Nhận quả đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp được bao pháp lý - 4

Nhà bị tháo dỡ một hộ dân phải xin ở nhờ tại chòi canh cà phê của người dân.

“Nhà tôi bị tháo dỡ không còn nơi ở. Vợ chồng và 3 con nhỏ phải xin tá túc tại chòi canh rẫy chỉ rộng chưa đầy 10 m2 rất thiếu thốn, khổ sở. Chúng tôi gần như trắng tay, nếu việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp ngay từ đầu bị ngăn chặn thì chúng tôi đâu có như ngày hôm nay”, anh Tèo nói.

Kiên quyết với xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Theo tìm hiểu, hầu hết nhà xây dựng trái phép tại hẻm 293 đều được bà Lê Thị Loan (nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Nhất) ký xác nhận: “Nhà ở hợp pháp, ổn định, không thuộc diện tranh chấp, di dời giải tỏa” để làm hồ sơ cấp điện, nước.

Nhận quả đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp được bao pháp lý - 5

Anh Phan Đình Tèo chua xót khi bỗng chốc tay trắng vì mua nhà trên đất nông nghiệp, cả gia đình phải ở tạm trong căn chòi rẫy tạm bợ, nóng bức.

Một lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết đã giao cho chủ tịch UBND các xã, phường rà soát, xử lý khắc phục vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, những căn nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở giai đoạn 2020-2021 phải tự nguyện tháo dỡ, nếu không ngành chức năng buộc phải cưỡng chế.

“Chính quyền các cấp phải có hướng xử lý triệt để, không có ngoại lệ, không có vùng cấm trong việc xử lý nhà xây dựng trái phép này”, vị lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột nhấn mạnh.

Cũng theo vị lãnh đạo này, việc bà Lê Thị Loan – nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Nhất – ký xác nhận nhà ở hợp pháp trên đất nông nghiệp cho các hộ dân là sai phạm đã được nêu trong kết luận thanh tra của TP Buôn Ma Thuột đã nêu rõ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bà Loan bị kỷ luật cách chức.

Nhận quả đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp được bao pháp lý - 6

UBND TP Buôn Ma Thuột kiên quyết xử lý đối với những trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp.

Vào tháng 3 vừa qua, UBND TP Buôn Ma Thuột đã ra quyết định cách chức đối với bà Lê Thị Loan (Chủ tịch UBND phường Thành Nhất) và ông Vũ Tiến Thành (Phó chủ tịch UBND phường Thành Nhất) vì buông lỏng quản lý để xảy ra xây dựng trái phép nhiều công trình trái phép, phân lô bán nền trên địa bàn.

Từ năm 2017 đến 2021, bà Loan đã để xảy ra 63 trường hợp vi phạm, trong đó có 60 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp; 3 trường hợp xây dựng nhà trái phép, không phép.

Riêng ông Vũ Tiến Thành không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, để xảy ra 60 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.

GỌI TƯ VẤN