(Dân trí) – Chuyên gia cho rằng, khi lạm phát tăng cao, tâm lý phòng thủ xuất hiện. Người dân sẽ bớt ăn tiêu, thậm chí là từ bỏ ý định đầu tư, tác động tiêu cực hơn là tích cực tới thị trường bất động sản.
Lạm phát tác động tiêu cực tới bất động sản hơn tích cực
Lạm phát tăng cao là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, bất động sản là một trong những kênh trú ẩn an toàn được người dân và nhà đầu tư lựa chọn.
Song nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – cho rằng, về tổng thể, thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực trước tác động của lạm phát.
Ông Lực giải thích, khi lạm phát tăng thì buộc các nước phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Hiện có tới 80 nước trên thế giới đã và đang tăng lãi suất. Khi mặt bằng lãi suất tăng thì nghĩa vụ trả nợ, tỷ giá tăng theo, đồng tiền nội tệ mất giá… Do đó, những người đi vay ngoại tệ sẽ bị thiệt hai lần, trong đó vừa chịu lãi suất tăng, vừa chịu tỷ giá tăng.
Ngoài ra, theo ông Lực, khi lãi suất tăng thì đầu tư, tiêu dùng giảm và kinh tế sẽ giảm đà phục hồi, làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Lực cũng nêu quan điểm, sẽ không xảy ra suy thoái toàn cầu mà sẽ suy thoái cục bộ ở một vài quốc gia nếu như họ ứng xử không tốt.
Thêm nữa, khi lạm phát tăng cao đẩy giá cả hàng hóa tăng theo khiến tâm lý phòng thủ xuất hiện, người dân bớt ăn tiêu thậm chí dừng đầu tư, ông Lực phân tích.
Tuy nhiên, nhìn nhận về lâu dài, ông Lực vẫn cho rằng đây là thời điểm tốt để mua bất động sản và có thể là một kênh tạm thời trú ẩn trong bối cảnh nhiều rủi ro, để “chờ thời”. Song ông Lực nhấn mạnh, nên đầu tư dài hạn, còn đánh quả, “lướt sóng” là rất khó trong bối cảnh hiện nay.
Chuyên gia này trao đổi thêm, hai năm vừa qua thị trường bất động sản tăng nóng, không riêng gì ở Việt Nam mà còn ở trên toàn cầu. Nguyên nhân một phần do dòng tiền lãi suất thấp chảy vào, khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều người chọn đầu tư bất động sản.
Còn sang năm nay, theo ông Lực, giá bất động sản còn tăng chỗ nào đó thì khả năng “do thổi giá”, vì không còn cơ sở để tăng. Theo quan sát của ông, những yếu tố cơ bản để đẩy giá bất động sản lên như hai năm qua đã không còn nữa, trừ khi pháp lý được điều chỉnh, thông tin quy hoạch được công bố, cơ sở hạ tầng được đầu tư…
“Chính phủ và các địa phương đang điều tiết giúp thị trường trở về giá trị thật”, ông Lực nhận xét về lâu dài sẽ tích cực, thị trường trở về trạng thái lành mạnh hơn.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cũng cho biết, năm nay Chính phủ đang điều tiết, kiểm soát lạm phát ở mức 3,9-4,2%. Với các chủ đầu tư dự án, ông Quốc Anh lo lạm phát khiến giá cả đầu vào của các dự án sẽ tăng. Còn với nhà đầu tư, vị này cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư dài hạn, dài hơi.
Nhiều nơi quan tâm giảm, giá vẫn tăng?
Theo số liệu mới công bố của đơn vị nghiên cứu thị trường này, nhiều địa phương có mức độ quan tâm giảm, nhưng giá vẫn tăng.
Cụ thể, trong quý II năm nay, đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá năm 2021.
Ngoài ra, Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt tăng 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.
TPHCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý II ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù mức độ quan tâm đến bất động sản có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều tỉnh thành trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm 2021 nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá bất động sản giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.