(Dân trí) – Theo dự báo của giới chuyên gia, đất nền tại nhiều khu vực có khả năng giảm giá, đó là các khu vực từng “sốt đất”, hay bất động sản chưa tạo ra giá trị khai thác…
Thị trường chững lại
Sau thời gian “sốt nóng” cục bộ ở nhiều địa phương, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại. Đơn cử, năm 2021, thị trường bất động sản Quảng Ninh tại thành phố Hạ Long, Móng Cái, thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên sôi động, có nơi “sốt nóng”. Thế nhưng, hiện tại, giá đất tại khu vực trên bắt đầu đi ngang.
Đất nền tại khu đô thị Tân Việt Bắc (thị xã Đông Triều) hiện được chào bán và giao dịch ở mức 20-22 triệu đồng/m2, ngang bằng mức giá của năm 2021. Tương tự, đất tại Vĩnh Lâm (Mạo Khê) cũng được chào bán ở mức giá của năm ngoái là 18-20 triệu đồng/m2.
Hay đầu năm nay, đất nền Móng Cái ghi nhận mức tăng 10-20% so với cuối năm 2021 với mặt bằng giá mới được thiết lập trung bình là 23-28 triệu đồng/m2. Giá đất thổ cư trong dân ở vị trí tương đối đẹp dao động 20-35 triệu đồng/m2. Mặt bằng giá đất này vẫn đang giữ nguyên đến thời điểm hiện tại là tháng 7 này.
Theo báo cáo mới đây của một trang thông tin bất động sản lớn, những điểm nóng đất nền ven Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm đang rơi vào tình trạng khó thanh khoản do giá rao bán tăng nhưng mức độ quan tâm giảm. Dẫn chứng như đất nền ở huyện Quốc Oai giá tăng 20% nhưng mức độ quan tâm giảm 24%; đất nền Đông Anh giá tăng 31% nhưng mức độ quan tâm giảm 29%; giá chào bán đất nền Gia Lâm tăng 27% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%.
Các thị trường giáp ranh Hà Nội cũng ghi nhận kịch bản tương tự. Cụ thể, đất nền Bắc Ninh giá tăng 9% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%.
Nhiều môi giới bất động sản thừa nhận, thị trường bất động sản ở các tỉnh đã chững lại khoảng 2 tháng trở lại đây vì nhiều lý do nhưng phần là vì dòng tiền bị siết lại và các động thái siết phân lô tách thửa. Bên cạnh đó, giá đất ở nhiều địa phương bị đẩy lên quá cao trong 2 năm trở lại đây, có những mảnh đất tăng 200-300% trong vài tháng nên những người vào sau sợ rủi ro vì vậy không dám đầu tư.
Khu vực đất nền nào sẽ giảm
Tại tọa đàm mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự báo, trong 6 tháng cuối năm, thanh khoản giảm toàn thị trường, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn. Chuyên gia nhấn mạnh, việc giảm thanh khoản đã xuất hiện từ quý I nhưng đến bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Cũng theo chuyên gia, bất động sản tại nhiều khu vực sẽ có khả năng giảm giá. Đó là các khu vực từng sốt đất, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng đến nay việc đầu tư hạ tầng và khai thác kinh doanh không đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, đất nền nhiều khu vực ven TPHCM cũng sẽ giảm giá.
Sang đến năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phục hồi cục bộ, xuất hiện đầu tư lướt sóng ở một số khu vực, các nhà đầu tư trung hạn bắt đầu giải ngân.
Tuy nhiên, ông Đinh Hoàng Thắng – quản lý cấp cao Batdongsan.com.vn – lại cho rằng, giá trên thị trường sơ cấp rất khó giảm do nguồn cung thấp và nhu cầu cao. Tuy nhiên, với thị trường thứ cấp, giá có thể giảm ở một số thị trường và phân khúc.
Cụ thể, theo ông Thắng, những khu vực từng xảy ra “sốt đất”, giá tăng vọt trong thời gian ngắn nhưng không có tiềm năng thực sẽ có hiện tượng giảm giá. Thực tế, hiện tượng này đã bắt đầu diễn ra, một số nhà đầu tư lướt sóng đã phải cắt lỗ. Trong khi đó, những thị trường có nhu cầu ổn định, giá trị thực sẽ không giảm. Giá chỉ giảm cục bộ ở một số khu vực tăng nóng trong khi không có động lực phát triển.